Bồ câu không đưa thư là truyện dài gồm 14 chương thuộc thể loại truyện học đường của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lần đầu ra mắt độc giả vào năm 1993. Cùng với Nữ sinh và Buổi chiều Windows, Bồ câu không đưa thư là tác phẩm nằm trong chùm truyện mà tác giả viết riêng về bộ ba Xuyến, Thục và Cúc Hương.
Không còn kể về những cánh đồng quê bát ngát, là mùa hè rực rỡ nơi thôn quê, lần này Nguyễn Nhật Ánh hướng ngòi bút của mình về nơi thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, nhộn nhịp và sầm uất. Và nhân vật chính không những chỉ có một mà là ba cô gái thành phố Xuyến, Thục, Cúc Hương. Như tên của tác phẩm,lá thư dưới ngăn duới ngăn bàn chính là nút thắt của tác phẩm, là trung tâm của mọi sự việc xung quanh. Cũng chính bức thư ấy đã tạo nên một bản tình ca với những thanh âm trong veo ngây ngất nhưng cũng điểm xuyến nhiều nốt trầm giữa Phong Khê và Thục. Với kết thúc buồn, tác giả khiến độc giả có nhiều suy nghĩ miên man, và rồi đều tự hỏi : phải chăng mối tình đầu nào cũng có kết cục buồn da diết đến như thế?
Gặp gỡ bộ ba Xuyến, Thục, Cúc Hương tinh nghịch, lém lỉnh
Trở lại sau bộ truyện Nữ sinh, bộ ba láu lỉnh ngày nào lại càng thêm phần tinh nghịch. Họ mang một luồng gió mới đến cho những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Xuất thân nơi đô thị phồn hoa, ba cô gái mang những nét đặc trưng khác hẳn với các nữ chính ta thường gặp trong phần lớn tác phẩm của ông. Họ có cách suy nghĩ, lối sống hiện đại và có phần thoáng hơn những cô gái nông thôn. Và thay vì bản tính dịu dàng, nhu mì thì ở bộ ba có những nét lém lỉnh, tinh nghịch rất cá tính.
Ngay ở đầu câu chuyện Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng tình huống Thục bất ngờ nhận được một lá thư làm quen nhưng chưa dám cho hai người bạn của mình biết, không phải vì không tin tưởng mà là vì sợ bị chọc đã cho thấy Cúc Hương và Xuyến, vốn được mệnh danh là hai cái loa phát thanh của lớp đáng sợ như thế nào. Ở phần truyện Nữ sinh, người ta đã thấy ba cô gái quả là cao tay khi xử đẹp Hùng quăn thì trong phần này họ còn chứng tỏ mình là những” cao thủ “ thứ thiệt khi tiếp tục mang đến những tình huống dở khóc dở cười cho anh chàng giấu mặt Phong Khê. Đúng là chỉ có họ mới dám thẳng tay “dằn mặt” một người mình không quen ngay trong lần gửi thư đầu tiên, hoặc chẳng ngại ngần khi mà xin thêm ba trái ổi mà vẫn giữ thần thái ngút trời.
Bên cạnh những phút giây lém lỉnh, những trò đùa khiến mọi người vừa vui vừa sợ thì ba cô nàng là những người sống rất tình cảm. Ba người ba tính cách khác nhau: Thục, giỏi văn, nhút nhát, hay suy nghĩ mơ mộng, Cúc Hương giỏi toán, lập luận sắc bén còn cựu lớp trưởng Xuyến thì thông minh, nhanh trí, dũng cảm. Mỗi người một tính nhưng họ có điểm chung là nhân hậu,biết giữ tình nghĩa, được thể hiện một phần qua tình cảm quý mến họ dành cho Phán củi, nhà thơ của lớp khi anh này đã giúp đỡ họ nhiệt tình
Mối tình thầm lặng của chàng Phong Khê với kết thúc buồn da diết
Người ta thường nói tình cảm học trò nhan là thứ tình cảm khiến người ta không thể quên, vì nó sẽ chẳng bao giờ có kết thúc đẹp. Đó là thứ tình cảmtrong sáng, ngây thơ, vô lo nghĩ nhất trong cuộc đời mỗi người. Mối tình của Phong Khê dành cho Thục cũng vậy, đầy mộng mơ, âm thầm nhưng sâu đậm sâu, và kết thúc khiến người ta cứ ngẩn ngơ nuối tiếc. Phong Khê làm quen Thục theo một cách rất đặc biệt, đó là gửi thư dưới ngăn bàn, khác hoàn toàn với cách đám trẻ hiện nay. Khi mà thời đại cách mạng 4.0 bùng nổ, các trang mạng xã hội lên ngôi, con người ta không khó để tìm kiếm thông tin một ai đó, thậm chí chỉ cần sau vài cái chạm tay là biết được crush mới đi du lịch Hàn Quốc về, con chó nhà hàng xóm crush mới chết, hoặc là cậu bạn thân của crush mới bị bồ đá. Nhưng so với các trang mạng xã hội này thì bức thư tay của Phong Khê ấm áp, mang đến nhiều cảm xúc dạt dào hơn rất nhiều.
Phong Khê là một anh chàng thi sĩ lãng mạn, một người nhẹ nhàng và rất đỗi dịu dàng. Mặc cho lời lẽ của bọn Xuyến, Cúc Hương có phần đanh thép, gây tổn thương nhưng anh vẫn kiên nhẫn hồi âm, hơn nữa lại còn tặng kèm những món quà rất hấp dẫn. Những lá thư tay của Phong Khê dù đơn giản, không mùi mẫn như bức thư tình của Marilyn Monroe gửi cho Joe Dimaggio nhưng mang đến những làn gió nhẹ mang tên sự dịu dàng, một thứ tình cảm ấm áp, chân thành và thiêng liêng nhất của một cậu con trai mới lớn. Những câu hỏi han, quan tâm từ những việc nhỏ nhất, hay sự chỉn chu trong từng vần thơ đã tố cáo tình cảm âm thầm mà đậm sâu của người học trò nhút nhát và giàu tình cảm này. Câu chuyện nào thì cũng phải có hồi kết, chuyện tình của Phong Khê và Thục cũng vậy. Cả việc Phong Khê cuối cùng cũng phải lộ diện cũng vậy. Sau bao lần tìm kiếm manh mối, rình mò, thậm chí là truy đuổi với những suy đoán tự cho là vô cùng thông minh và sắc sảo của Xuyến và Cúc Hương, bức tranh chân dung anh chàng Phong Khê dần dần được hoàn thiện dựa vào những mảnh ghép của ba vị nữ thám tử nghiệp dư này. Nhưng đáng tiếc những mảnh ghép họ miệt mài kiếm tìm được lại thuộc về bức tranh một nhân vật hoàn toàn khác. Trong những chương cuối, Nguyễn Nhật Ánh thật biết trêu đùa với tình huống khi để ba cô gái hiểu lầm Hoàng Hòa - chàng lớp trưởng hào hoa, đẹp trai, nho nhã lại đang để ý Thục, chính là Phong Khê. Và rồi kéo theo đó là những tình huống khốn khổ cho anh chàng khốn khổ này. Nhưng sau cùng, ở chương cuối, anh chàng Phong Khê thật dù vẫn chưa chịu trực tiếp giải thích tất cả mọi chuyện, nhưng cũng đã nhờ một lá thư (lại là một lá thư! ) gửi đến những người bạn của mình giải thích mọi chuyện. Hóa ra anh chàng Phong Khê lãng mạn kia chính là nhà thơ Phán củi, bạn đồng hành của ba cô gái, người đã giúp đỡ họ làm những bài thơ hồi âm lại Phong Khê, hay thực chất là hồi âm lại chính mình. Phán cũng đã bên bộ ba trong ngày họ hẹn gặp trực tiếp người giấu mặt kia. Quả thật là một tình huống oái oăm không tả nổi, ba cô gái đâu ngờ được rằng người mình vẫn coi là “ đồng minh” bên mình lại chính là “kẻ địch” duy nhất của họ, người mà họ đau đầu nghĩ tới nghĩ lui.
Phải tận đến ngày Phán phải về quê chăm lo mẹ già thì danh tính Phong Khê mới thật sự được tiết lộ.
“Ngày mai, khi bước ra khỏi màu hè rực rỡ và hiu quạnh đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lưng quãng đời học trò áo trắng. Và trên chặng đường thênh thang sắp tới, mãi sẽ trống vắn một bóng người lặng thầm đi bên cạnh Thục. Phong Khê phải về bên mẹ già khuya sớm trông nom, thay mộng ước sinh viên bằng những ngày lam lũ. Chỉ còn Xuyến, Thục, Cúc Hương và những người bạn may mắn hơn đi tiếp quãng đường dài.”
Phong Khê sẽ chẳng bao giờ có thể là kinh thành của Thục Phán nữa. Tương lai của Phán cũng sẽ chưa biết sẽ đi về đâu, chỉ biết là cảnh ấy tượng đã xuất hiện những đám mây âm u, mịt mù; huống chi là chuyện tình cảm mới chớm nở của Phán và Thục
Chuyến tàu đưa ta về thời áo trắng
Quả không sai khi nói rằng Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn mang kí ức tuổi trẻ về cho mỗi người. Đặc biết là với những người thuộc thế hệ 8x, 9x thì đây là tác phẩm không nên bỏ lỡ. Mỗi độc giả như thoát khỏi mội bộn bề cuộc sống thực tế hàng ngày để bước vào thế giớ của miền kí ức. Những cảm xúc khác lạ đầu đời là những gì ta mãi chẳng thể quên. Đó là những rụt rè, xao xuyến lẫn những cả sự lo lắng, bồi hồi… Tất cả những xúc cảm ấy hòa quyện lại tạo thành một bản hợp ca được gọi là “thanh xuân” với những nốt trầm, nốt bổng mà mỗi người cất giữ sâu trong lòng cả đời, chỉ khi gặp đúng thời điểm mới được nghe lại.
Theo chân bộ ba nữ sinh đến những quán ăn, những điểm hẹn hò của học sinh ngày ấy như món chè bưởi đậu đỏ bánh lọt, quán Dạ Lan hay hồ Con Rùa, nhà hát Hòa Bình,... Cái tài của Nguyễn Nhật Ánh là khiến những người mặc dù chưa hề ăn thử những món đó, đến những nơi đó trong thời học sinh cũng đều thấy xao xuyến, như thể mình đã đặt thanh xuân của mình ở nơi này vậy. Theo dõi từng trang văn của ông, chúng ta không còn đơn thuần chỉ là đọc nữa mà như đã bước chân vào từng trang sách, dung hòa mình vào cuộc đời của nhân vật. Như thể rằng hình ảnh ba cô nữ sinh với tà áo trắng, hay những cậu trai với đôi mắt si tình đang ở ngay trước mặt. Sự chân thật trong từng câu văn của Nguyễn Nhật Ánh khiến ai cũng có thể ngâm vào mình vào mạch cảm xúc của nhân vật. Bên cạnh đó ông cũng thể hiện được sự tinh tế, tỉ mỉ trong toàn bộ đứa con tinh thần của mình khi xây dựng những màn đối thơ cầu kì, chỉn chu; những tình tiết đan cài dắt mũi độc giả và cả những chi tiết nhỏ mang tính biểu tượng cao (như 2 chữ “thán phục”).
Nhẹ nhàng, hóm hỉnh, lôi cuốn và những gì ngắn gọn nhất để miêu tả quyển sách này. Hy vọng những ai đang muốn được về thăm thanh xuân tìm được niềm vui trong tác phẩm này.
Khu vườn bí mật (The secret garden) – là một trong những tác phẩm hay nhất của nhà văn Frances Hodgson Burnett, được đánh giá là một tác phẩm mẫu mực kinh điển của văn học thiếu nhi. Nhưng có thể nói nó được dành cho người trưởng thành, những con người bận rộn với cuộc sống “lớn lao” mà lãng quên những niềm vui “nho nhỏ” trong sự trong trẻo, hồn nhiên của tuổi ấu thơ.
Tác phẩm được sáng tác năm 1888, xuất bản lần đầu năm 1911, đã được điện ảnh Mỹ dựng thành phim vào năm 1949.
Những đứa trẻ là trung tâm của câu chuyện
Vì là một tác phẩm văn học thiếu nhi nên câu chuyện gần như xoay quanh những đứa trẻ:
Mary Lenox, cô bé xuất hiện đầu truyện với sự thiếu thốn tình cảm từ nhỏ khi chỉ được chăm sóc bởi những người đầy tớ bản địa đã hình thành lên một cô nhóc tính cách ngang ngược, ích kỷ, và được coi là hư đốn ở vào độ tuổi của mình. Chín tuổi, cô bé đã mất toàn bộ gia đình trong một trận dịch tả và phải đến ở một nơi xa lạ với tâm trạng chẳng thích thú. Việc khám phá ra khu vườn bị bỏ quên và kết thân với những người bạn tốt đã mang đến sự thay đổi lớn cho cuộc đời của cô bé.
Người bạn có tầm ảnh hưởng lớn đến Mary, không thể không nhắc đến Dickon, cậu bé có khả năng hiểu động vật, vô cùng yêu thiên nhiên. Ở cậu luôn tràn đầy sức sống, năng lượng và sự hoạt bát. Tuy không có một cuộc sống no đủ, nhưng Dickon mang đến cho người đọc cảm giác dễ chịu từ một cậu bé có phần hoang dã, tốt bụng và am hiểu thiên nhiên.
Đối lập với Dickon là Colin – một cậu bé bé mất mẹ khi vừa sinh ra, người cha quá đau buồn mà bỏ bê cậu, không thể đi lại vì đôi chân quá yếu, chỉ biết rên khóc trong phòng và sợ hãi trước ánh nắng mặt trời. Từ khi sinh ra đã cô đơn và ốm yếu, mặc định sẵn trong đầu về cái chết bệnh tật của mình. Ban đầu, Colin mang đến cho người đọc vừa là sự thương xót bởi sự cô đơn và ốm yếu của cậu, vừa là sự khó chịu bởi sự yếu đuối, và cực đoan thái quá về bệnh tật của mình. Sau đó, là sự yêu mến một đứa trẻ dễ thương và vui vẻ.
Sự kì diệu của tình bạn, của tình yêu cuộc sống chính là điều gắn kết những đứa trẻ, đưa mọi người đến gần nhau hơn và hồi sinh từ con người đến cảnh vật tại trang viên. Từ cô bé Mary Lenox cáu kỉnh trở nên đáng yêu đến Colin một đứa trẻ ốm yếu không đứng vững nổi lại có thể bước đi những bước chân mạnh mẽ và vững chãi như bất kỳ thằng bé nào khác. Ông lão làm vườn gù lưng Ben hay ông chủ trang viên - bác Craven đã tìm lại được niềm vui, niềm hi vọng vào cuộc sống.
Tình yêu thiên nhiên của nhà văn
Nhà văn Burnet có một tình yêu thiên nhiên vô cùng sâu sắc, dưới ngòi bút của bà chim chóc, muông thú, cỏ hoa đều được thấm đượm một tình cảm âu yếm. Từng câu, từng chữ khi bà miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên đều hết sức ngọt ngào và tràn đầy ánh sáng. Khu vườn bị bỏ quên vì ký ức u buồn của người chủ nay đã hồi sinh với toàn sắc vàng của mùa thu xen lẫn màu tía, màu tím phớt xanh và cả đỏ tươi chói lọi. “ Khắp mọi nơi là những vạt ly ly nở muộn mọc sát bên nhau: ly ly có hai màu, trắng và trắng pha đỏ sẫm...Mấy khóm hồng muộn bò lan ra, đung đưa và quyện chặt lấy nhau”.
Trong câu chuyện của bà, thiên nhiên có khả năng giao tiếp với các nhân vật. Chú chim ức đỏ như một người chỉ đường đến với bí mật của trang trại. Những con vật tưởng chừng chỉ thuộc về thế giới hoang dã như quạ, cáo, sóc thì đều được đặt tên và hết sức gần gũi với những đứa trẻ, thậm chí chúng có thể ngồi vòng tròn xung quanh. Rồi cái cách Mary hôn lên những khóm hoa nghệ tây ấu yếm, dịu dàng mà người ta chẳng thể hôn một con người như vậy nhưng với những bông hoa thì lại khác. Tác giả đã thể hiện một cách lãng mạn nhất tình yêu với thiên nhiên. Đưa thiên nhiên như trở thành một người bạn của con người.
Qua đó, người đọc được tận hưởng một làn không khí tươi mát, sự trong lành của một vùng đồng hoang nước Anh, thưởng thức tiếng chim hót, mùi hương của hoa cỏ.
Ngày nay, nhịp sống hối hả và bận rộn, con người dường như quên mất môi trường xung quanh, có khi vô tình huỷ hoại nó. Và chúng ta đã phải chịu một số những sự trừng phạt từ thiên nhiên khi thiên tai, bệnh dịch liên tiếp xảy ra. Với tác phẩm này, người đọc sẽ cảm nhận được điều kì diệu mà thiên nhiên có thể mang đến cho con người những cảm xúc tốt lành.
Phép màu đến từ chính tình yêu thương
Ba nhân vật chính được xây dựng mang những nét tính cách đại diện thường gặp ở trẻ em. Có thể ban đầu, đó là những tính xấu nhưng đã dần được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Những đứa trẻ đã thay đổi và làm nên những điều kì diệu cho mình và cho cả trang viên Misselthwaite u sầu được hồi sinh và bừng sức sống. Phép màu nào đã làm nên điều kì diệu đó.
Chính sự thiếu thốn tình thương đã khiến Mary và Colin dù sống trong điều kiện vật chất đầy đủ lại là những đứa trẻ ốm yếu và chứa nhiều điều tiêu cực trong người. Trong khi Dickon sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại giàu có tình yêu thương và hạnh phúc là một cậu bé hoạt bát và luôn mang đến những cảm xúc tích cực cho mọi người. Cuộc sống được hoà mình vào thiên nhiên, muông thú,cây cỏ và có người bạn tốt để chia sẻ, hướng dẫn… tất cả đã dần dần thổi lên trong Mary và Colin ấy những cảm xúc tốt lành. Khơi gợi trong hai em tình yêu thiên nhiên, yêu mọi người. Và phép màu đã thực sự xảy ra cho cả Mary, Colin cho cả khu vườn bị bỏ hoang và lan toả cả đến những người lớn trong câu chuyện.
Qua đó tác giả gửi một thông điệp ngầm, tình yêu thương với nhau và với thiên nhiên xung quanh sẽ tạo lên những điều tốt đẹp trong con người. Khu vườn bí mật mang đến cho người đọc niềm vui nhẹ nhàng, êm dịu và ấm áp. Cảm nhận được sức sống căng tràn và tươi mới đang rộn ràng bừng lên từ chính mình.
“Dĩ nhiên, có rất nhiều phép mầu trên thế gian này...” - Colin Craven
Higashino Keigo là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản với những tác phẩm trinh thám. Các tác phẩm của ông thường lôi cuốn người đọc bởi sự mới lạ, tính logic và lắt léo. Tuy Bí mật của Naoko không mang nhiều màu sắc trinh thám như những tác phẩm khác, nhưng vẫn cuốn hút người đọc và gợi mở nhiều điều bất ngờ một cách nhẹ nhàng.
Một cốt truyện táo bạo mà trớ trêu
Là một nhà văn đầy sáng tạo với những cốt chuyện mới lạ, táo bạo, Bí mật của Naoko đưa người đọc đến một câu truyện trớ trêu: Sau vụ tai nạn, người vợ tưởng đã mất của Heisuke lại tỉnh dậy trong thân xác cô con gái mới 12 tuổi của hai người. Để rồi cả câu chuyện, người đọc vẫn day dứt với câu hỏi Heisuke tự hỏi mình: anh đã mất vợ hay con gái trong vụ tai nạn ấy?
Đang có cuộc sống bình dị cùng người vợ đảm đang và cô con gái ngoan ngoãn bỗng nhiên tai họa ập xuống khiến Heisuke rơi vào một tình huống oái oăm. Anh sẽ phải hành xử như thế nào đây. Nếu anh coi người tỉnh dậy là vợ mình, liệu hai người có thể thân mật như vợ chồng khi vợ anh lại ở trong cơ thể cô con gái bé bỏng. Đã có lúc người đọc lo sợ có tình tiết loạn luân trong câu chuyện. Còn coi đó là con gái mình, và bắt đầu cuộc sống hôn nhân với người phụ nữ khác thì người vợ ‘không thể lộ diện” kia của anh sẽ như thế nào? Để rồi anh cứ sống trong sự giày vò của một người đàn ông đang trong độ tuổi sung mãn, sau đó lại là sự ghen tuông khi Naoko trong cơ thể con gái bắt đầu trưởng thành ra dáng thiếu nữ và có những mối quan hệ riêng. Heisuke có phải là người cao thượng khi anh không đi bước nữa với người khác - sống như một ông bố độc thân nuôi con gái ăn học, đồng hành cùng Naoko thực hiện ước mơ của cô, lý giải cho điều này anh nói một câu đơn giản với vợ: “Bởi vì anh có Naoko rồi”. Hay anh là người ích kỷ khi giữ Naoko cho riêng mình, ngăn cản cô có cuộc sống riêng. Có lẽ mỗi người đọc sẽ có những suy nghĩ của riêng mình.
Bi kịch của gia đình Heisuke suy cho cùng là hậu quả của vụ tai nạn giao thông. Ngày nay, khi lĩnh vực giao thông phát triển vượt bậc, thì an toàn khi tham gia giao thông vẫn là một bài toán khó. Hàng ngày trên thế giới có biết bao nhiêu người thiệt mạng, bao nhiêu người bị thương tật vĩnh viễn, bao gia đình nhà tan cửa nát vì tai nạn giao thông. Ngoài bi kịch của gia đình Heisuke và bi kịch của những gia đình nạn nhân khác trên chuyến xe định mệnh ấy, tác phẩm còn khắc họa cả bi kịch của gia đình người lái xe. Gia đình ấy cũng mất người thân như các gia đình khác, nhưng họ không được than khóc, không được trách móc, người vợ ấy phải đứng ra xin lỗi và bị gọi là “kẻ giết người” vì chồng cô là người lái chiếc xe bị tai nạn. Bên cạnh đó, tác giả đưa ra một vấn đề mang tính thời sự cao đó là việc đàm phán tiền bồi thường sau vụ tai nạn. Số tiền nào được đong đếm cho mạng sống của con người, cho nỗi đau mất đi người thân. Số tiền ấy có thể cứu cánh cho công ty sắp phá sản của một người bố, nhưng liệu có thể lắp đầy nỗi đau vĩnh viễn mất đi hai cô con gái sinh đôi để lại trong tim ông.
Tình nghĩa vợ chồng và được sống lại cuộc đời thứ 2
Heisuke và Naoko đã thực sự yêu nhau, có thể khẳng định như vậy, ngoài tình yêu đó họ còn gắn bó với nhau bởi tình nghĩa vợ chồng. Vì tình nghĩa ấy, Naoko luôn làm tròn trách nhiệm của một người vợ trong thân xác con gái. Vừa phải đi học Naoko vừa nấu cơm, dọn dẹp, nhà cửa và chăm sóc Heisuke.
Nhưng cô cũng coi việc tỉnh dậy trong thân xác con gái như một cơ hội được sống một cuộc đời mới. Và cô đã cố gắng làm những điều mà cô không thể làm hoặc bỏ lỡ khi còn là Naoko ở vào độ tuổi ấy. Dù trong thân thể Monami nhưng trí óc vẫn là của Naoko - một bà nội trợ 36 tuổi, đòi hỏi Naoko phải chăm chỉ và cố gắng rất nhiều. Thời gian của cô, vừa phải đóng vai trò của một người học sinh vừa phải đóng vai trò của một người vợ. Cô phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba những người khác để có được những thành quả cho con đường cô hướng tới - một phần toại nguyện cho bản thân cô và một phần cho con gái cô nếu có ngày cô bé trở lại, Monami đã có sẵn tiền đề để bước tiếp.
Và cuối cùng, Naoko đã lựa chọn cách giải thoát cho cô và Heisuke của riêng cô.
Tác giả miêu tả tâm lý nhân vật quá xuất sắc. Người đọc như bị cuốn vào thế giới nội tâm của nhân vật, cảm nhận được sự đau khổ, giằng xé của họ. Tưởng đã có một cái kết toàn vẹn nhưng không, đến lúc kết nhà văn Higashino Keigo vẫn mang đến cho độc giả sự bất ngờ không nói thành lời và người đọc hiểu ra tại sao tác giả đặt tên tác phẩm là bí mật của Naoko. Đến cuối cùng Naoko vẫn có những bí mật của riêng mình.
Đừng vội vàng phán xét ai
Đừng quên bạn đang đọc một tác phẩm của Higashino Keigo, nếu không bạn sẽ bị sa vào cái bẫy tâm lý của tác giả, để rồi đau đáu theo cuộc sống, tâm trạng của nhân vật. Đôi lúc, người đọc tưởng chừng như đã hiểu ra mọi chuyện, hiểu rõ nhân vật, nhưng không, tác giả vẫn nhẹ nhàng mở ra những tình tiết mới. Con người không đơn giản như những gì ta nhìn thấy.
Đừng vội vàng phán xét bất cứ một ai cả, người lái xe hay người bố mất hai cô con gái,... Mỗi người sống đều có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, người ngoài sẽ khó mà có thể hiểu được rõ ràng. Những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài mà thôi, cuộc sống của mỗi người trải qua khó khăn và trắc trở gì, đứng tại vị trí của mình, chúng ta cũng không biết được, …
Xin chào mọi người, sau khi đọc xong cuốn "999 Lá thư gửi cho chính mình" của nhà văn học mạng Miêu Công Tử mình đã quyết định ngồi lại viết một chuỗi review về cuốn tản mạn ý nghĩa này. Bởi lẽ khi đọc cuốn sách mình đã bắt gặp cảm xúc của chính mình trong đó và mình nhận ra có nhiều điều đáng để mình suy ngẫm và chia sẻ. Đây là một trong những cuốn sách khiến mình thay đổi được bản thân theo hướng tích cực hơn.
Bắt đầu cho chuỗi review này mình sẽ nói sơ sơ lí do tại sao mình cũng như mọi người nên chọn đọc cuốn sách này nhé! Chắc hẳn mọi người đều biết trong cuộc sống có nhiều lúc chúng ta gặp bế tắc không lối thoát, không biết phải làm thế nào, xử lý mọi chuyện ra sao? Con người của cuộc sống hiện tại chỉ chạy theo những quyền lợi, xa hoa, phú quý khiến cho chúng ta mệt mỏi chán nản, muốn buông xuôi tất cả? Nhiều lúc phải gồng mình lên, cắn chặt môi để nước mắt không chực chờ rơi xuống? Nhiều lúc phải cười, để giấu đi những áp lực ngổn ngang trong cái cuộc sống xám xịt này phải không? Đã bao giờ bạn cảm thấy như bị dồn vào đường cùng khi đối mặt với công việc, với gia đình, với tình yêu chưa? Đã bao giờ bạn bị lạc vào ngõ cụt của cuộc sống và muốn trốn chạy khỏi cuộc sống hiện tại? Đã bao giờ bạn nghĩ rằng mình sau này sẽ làm những việc lớn lao, vĩ đại nhưng càng lớn lên chúng ta càng thu bé khả năng, tự thôi miên ngủ yên trong lớp vỏ bọc lớn xác, vô dụng... Chúng ta gần như không biết rằng mình sẽ trở thành một người vô cùng tuyệt vời nếu chấp nhận thay đổi. Vì vậy hãy cùng mình thưởng thức "999 Lá thư gửi cho chính mình" của nhà văn học mạng Miêu Công Tử để vạch ra cho mình lộ trình trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của bản thân ngay từ hôm nay.
Chắc hẳn bạn đã đoán ra được nội dung của cuốn sách này ngay từ tiêu đề rồi đúng không? Cuốn sách tập hợp 999 lá thư ngắn của tác giả về những vấn đề tinh thần phổ biến trong cuộc sống như sự mất phương hướng của tuổi trẻ, tình yêu, cô đơn, bất mãn, tâm trạng thất thường,… Nói là gửi "chính mình" xong đây là cuốn sách gối đầu giường cho mọi người và đặc biệt là những người hay lo lắng, sợ hãi và luôn thấy mình kém cỏi, không tự tin cũng như không tin tưởng vào chính mình.
Cuốn sách với lối viết tản mạn, giản dị nhưng cực kì sâu sắc được thể hiện một cách mới lạ qua từng lá thư bé nhỏ, nó giống như cuốn "nhật kí" của chính mình mà tại đó bạn có thể tìm thấy những quotes hay, ý nghĩa, chất và đậm chất nhân văn. Khi đọc cuốn sách này bạn sẽ chiêm nghiệm ra những giá trị sống, nhân sinh quan khác nhau. Nhưng tựu chung đều hướng đến một mục đích cuối cùng: đọc để tìm về chính mình ngày xưa, dũng cảm đối diện với nó và khám phá phiên bản tốt nhất của chính mình. Có nhiều người nhận xét, đây là một cuốn sách tản văn nhuốm màu self-help đáng đọc. Cũng có người phàn nàn nó có quá nhiều câu hoa mỹ, tựa như đứa bé tưởng mình đã lớn nhưng sâu thẳm tâm hồn vẫn ngây ngô về thế giới. Cũng có nhiều người cho rằng cuốn sách chỉ là tập hợp của những câu quotes trên mạng, không mạch lạc, hơi dài dòng. Nhưng dù thế nào đi nữa, "999 Lá thư gửi cho chính mình" thực sự là một cuốn sách hay, ý nghĩa, đã gieo vào lòng tôi những cảm xúc rất lạ, rất mới. Mỗi câu chữ của từng bức thư đều khiến tôi nhớ rõ, thậm chí là tự động khắc ghi và học thuộc lòng.
Khi đọc sách, có thể mọi người thường sẽ ít để tâm đến tựa đề tác phẩm. Nhưng tựa đề của cuốn sách này lại có ý nghĩa đẹp, như một phần làm cho cuốn sách trọn vẹn hơn. Cầm cuốn sách điều đầu tiên tôi thắc mắc, đó chính là, vì sao lại là số 999 mà không phải 1000? Con số ấy nó đại diện cho điều gì chăng? Và sau khi tìm hiểu tôi biết rằng số 9 là con số may mắn nhất bởi nó tượng trưng cho sự tròn đầy, vẹn toàn của trời và đất. Nó gắn liền với sự trường cửu, quyền lực, sức mạnh của tự nhiên và sự cân bằng. Vì thế có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vua Hùng đặt ra cho Sơn Tinh và Thủy Tinh lễ vật thách cưới là “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Mọi sự sắp đặt đều có ý nghĩa riêng của nó.Từ đó, ta có thể hiểu được dụng ý của Miêu Công Tử là truyền gửi một thông điệp rằng: hãy sống là chính mình hoàn hảo nhất, sống một cuộc đời tự do, đơn giản nhất, nỗ lực hết mình để đến khi nhìn lại không cảm thấy hối hận vì bản thân chưa nỗ lực hết mình. Đồng thời không vì ánh mắt dò xét của người đời mà đánh mất đi ánh hào quang, vẻ đẹp và tài năng của mình. Bộ sách này gồm hai tập. Tập đầu tiên của bộ sách gồm 561 bức thư với thông điệp mong bạn trở thành phiên bản hoàn hảo hảo nhất và 439 bức còn lại được “cất giữ” trong tập thứ hai với thông điệp mong bạn trở thành phiên bản hạnh phúc nhất. Cuốn tản văn thể hiện đúng tinh thần của một tác phẩm “gối đầu giường”, không thể “cảm” khi đọc ngấu nghiến mà chỉ có thể “thấm” khi chậm rãi tiếp nhận. Trước lúc đi ngủ, bạn có thể đọc 1, 2 lá thư rồi highlight những câu quotes tâm đắc để suy ngẫm và tiếp thêm động lực cho chính mình. Đây là cuốn sách rất hay nên mọi người cố gắng tìm đọc nhé!
Đọc xong bài review này chắc hẳn các bạn đã có cho mình những cảm nghĩ nhất định về cuốn tản mạn ý nghĩa này. Hãy luôn nhớ rằng: Cái gọi là vẻ đẹp nội tâm luôn tốt hơn vẻ bề ngoài hào nhoáng, hy vọng bạn sẽ mãi luôn kiên cường, dũng cảm đứng ở nơi ánh sáng chiếu rọi, sống tốt một cuộc sống mà mình hằng mong ước. Đây cũng là thông điệp sâu sắc mà sau khi đọc xong cuốn sách này chắc hẳn bạn sẽ thấy được. Hãy nhớ “Thay đổi chẳng bao giờ dễ dàng, nhưng điều đó luôn luôn khả thi” (Barack Obama).
Một số bức thư hay trong cuốn sách:
Bức thư 198: Khi không ai để ý, kiên định cố chấp. Khi vạn người ngưỡng mộ, tâm tĩnh như nước.
Bức thư 367: Khuyết điểm lớn nhất của một người không phải ích kỷ, đa tình, bạo ngược, buông thả mà là cố chấp yêu một người không yêu mình.
Bức thư 441: Đừng hoài công chờ đợi một người không có tương lai, cứ coi như gió chưa từng thổi, anh ta chưa từng xuất hiện, bạn cũng chưa từng yêu.
Tiếp nối phần 01 của những cuốn sách hay về kỹ năng sống giúp phát triển bản thân. Hôm nay List Sách xin giới thiệu đến bạn những cuốn sách hay nên đọc trong năm 2020 để trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn. Đây đều là những cuốn sách mới được xuất bản trong thời gian gần đây và đã nhận được rất nhiều nhận xét và đánh giá cao từ bạn đọc.
Với những cuốn sách hay này bạn sẽ biết cách rèn luyện sức mạnh tinh thần và thể lực, từ đó đi đến những quyết định để vượt qua mọi khó khăn, vấp ngã trong công việc, học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Thay đổi và phát triển bản thân để nỗ lực không ngừng trở thành người dẫn đầu trong mọi lĩnh vực.
01. Dọn Giường Đi Rồi Thay Đổi Thế Giới – 10 Bài Học làm Nên Sự Nghiệp Của Một SEAL Vĩ Đại
Nhắc đến SEAL nhiều người sẽ nghĩ ngay đến binh đoàn tinh nhuệ nhất thế giới. Đặc biệt cách đây ít lâu thì SEAL một lần nữa được nhắc đến với chiến công tiêu diệt trùm khủng bố Binladen. Đây là một chiến tích vô cùng quan trọng, không chỉ ảnh hưởng to lớn tới nước Mỹ mà còn góp phần vào hòa bình của thế giới. Cho đến nay thì danh tính của khoảng 20 binh sĩ Mỹ tham gia chiến dịch này đều được giữ kín. Chỉ biết rằng họ thuộc Team 6 hay tên viết tắt thường được gọi là ST6.
Vậy bạn có thắc mắc ai là chỉ huy trưởng của chiến dịch đó không? Vâng đó chính là cựu đô đốc William H. McRaven – cũng chính là tác giả của quyển sách Dọn Giường Đi Rồi Thay Đổi Thế Giới mà List Sách đang giới thiệu đến bạn.
Ông sinh năm 1955 tại bang North Carolina, tốt nghiệp Đại học Texas năm 1977 và gia nhập Hải quân sau đó. William H. McRaven từng giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Đặc nhiệm Mỹ; ông cũng là Chỉ huy trưởng các nhiệm vụ: tiêu diệt Osama Bin Laden, bắt Saddam Hussein, giải cứu thuyền trưởng Phillips. Quyển sách Dọn Giường Đi Rồi Thay Đổi Thế Giới được tóm gọn trong 10 chương khá ngắn, nhưng mỗi chương là một bài học kể về những câu chuyện, khó khăn và thử thách mà chính tác giả phải vượt qua để trở thành một SEAL xuất sắc nhất. Cuốn sách đã truyền tải những thông điệp sâu sắc và đầy ý nghĩa giúp bạn một lần nữa nhìn nhận lại bản thân để sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa và thành công hơn.
“Đây là cuốn sách giúp phát triển bản thân hay nhất trong thập kỷ này” – một đọc giả nhận định.
Wall Street Journal đã có một lời nhận xét rất đúng về cuốn sách Dọn Giường Đi Rồi Thay Đổi Thế Giới của McRaven “Mọi nhà lãnh đạo đều nên đọc cuốn sách này. Đây là cuốn sách truyền cảm hứng cho con cháu chúng ta trở thành bất cứ mẫu hình nào mà chúng muốn. Trên hết, đây là cuốn sách sẽ khiến bạn trào nước mắt.”
02. Kẻ Khôn Đi Lối Khác – Lối Đi Của Những Người Thành Công Nhờ Tư Duy Phá Cách Và Sự Tinh Quái
Cánh cửa dẫn đến thành công trong sự nghiệp hay cuộc sống cũng giống như lối đi dẫn vào câu lạc bộ đêm. Chúng ta có Cánh cửa thứ nhất: cửa chính, nơi hàng dài người xếp hàng; 99% trong số đó chờ đợi và hy vọng người tiếp theo là mình. Một thiểu số khác thì đi Cánh cửa thứ hai: cửa VIP, cánh cửa dành cho các tỷ phú, người nổi tiếng và những người sinh ra trong thế giới đó. Nhưng không ai nói cho bạn biết rằng luôn có, luôn luôn có Cánh cửa thứ ba. Đó là lối vào mà bạn phải tách khỏi đám đông, chạy vào ngõ hẻm, đập cửa hàng trăm lần, cạy mở cửa sổ hay lẻn qua nhà bếp. Và đó chính là con đường mà Bill Gates, Steven Spielberg, Lady Gaga, Larry King, Tim F trở thành những người thành công như bây giờ. Tất cả họ đều lựa chọ Cánh cửa thứ ba.
Kẻ Khôn Đi Lối Khác là một trong những tác phẩm bán chạy nhất hiện nay. Quyển sách này sẽ khiến bạn không thể rời mắt khỏi những trang sách, để hiểu rõ về sự thành công và danh vọng của những con người thành công bậc nhất.
03. Bước Vào Cửa Hiệu Nhiệm Màu
Bước Vào Cửa Hiệu Nhiệm Màu là câu chuyện kỳ diệu kể về cuộc đời của một bác sĩ phẩu thuật thần kinh. Một cuốn sách khám phá bí mật hạnh phúc từ não bộ đến trái tim.
Có gì trong “Bước vào cửa hiệu nhiệm màu” – Cuốn sách truyền cảm hứng cho nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc BTS?
Và lí do vì sao sách được Goodreads Choice Awards đề cử hạng mục Best Science & Technology (cuốn sách hay nhất thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ)?
“Bước vào cửa hiệu nhiệm màu” là lời giải đáp khoa học về những bí ẩn của não bộ trong sự liên kết chặt chẽ với trái tim, tìm đến cội nguồn của hạnh phúc với ý nghĩa bản chất nhất của từ này. Sách cũng là câu chuyện chân thật, đầy cảm động về hành trình vươn lên trong cuộc sống của chính tác giả.
Bạn sẽ rút ra được nhiều đúc kết, bài học ý nghĩa sâu sắc nhất như: Tiền bạc và danh vọng không phải là mục tiêu cuối cùng của mỗi con người. Trên tất cả mọi thứ, chính yêu thương và sự kết nối mới làm nền tảng cho hạnh phúc và sự mãn nguyện của cuộc đời. Hay, bộ não và trái tim là hai bộ phận chịu trách nhiệm và không thể nào tách rời trong hạnh phúc của mỗi người…
Hy vọng với 3 quyển sách mà List Sách Hay Nên Đọc giới thiệu ở trên đã giúp bạn có được những thông tin hữu ích và sự tổng quát, nhìn nhận khách quan về những cuốn sách kỹ năng sống và phát triển bản thân hay nhất trong năm 2020. Bài viết sẽ liên tục cập nhật khi có thêm những tác phẩm kinh điển khác. Chúc bạn đọc sách vui vẻ!